Là người cha của hai thanh niên có thể gọi là rất thành công trên con đường các con ông đã chọn – Người con lớn là công tố viên cho tiểu bang Califorlia. Người con thứ hai làm khoa học gia cho Bộ Quốc phòng Mỹ.
Đừng sợ thất bại
Dạy con phụ thuộc… hên xui
Ông từng chia sẻ rằng: “Các con tôi đã chọn các nghề mà chúng thích đó là một điều mà tôi rất hãnh diện. Dù là các con tôi không làm doanh nhân, không kiếm được nhiều tiền nhưng chúng rất hạnh phúc với sự lựa chọn đó”.Tuy nhiên, theo TS Alan Phan thì kinh nghiệm cá nhân của ông cho thấy vấn đề dạy con và con mình trở thành người thế nào phụ thuộc rất nhiều vào sự may mắn, chứ không phải do kỹ năng dạy con của mình, hay đào tạo theo phương pháp nào.
Mỗi đứa con có tính khí và sự phát triển nội tại khác nhau. Các yếu tố môi trường, xã hội, văn hoá, gia đình và bạn bè là những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến con cái.
“So sánh với nuôi con thì nuôi con khó gấp nhiều lần điều hành doanh nghiệp. Với một doanh nghiệp thì mình có thể đứng tách rời ra để nhìn và quyết định một cách khách quan và nếu làm sai thì làm lại, nhưng dạy con thì không thể làm lại được, không thể khách quan, vì thế, quyết định của mình khó sáng suốt.
Quá trình nuôi con thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ, êm đềm như mình nghĩ mà có lúc đầy bão tố, dù tình trạng “vĩ mô” rất ổn định”.
Nhìn lại quá trình nuôi con, TS Alan Phan cho rằng “Có lẽ cái mà tôi đã làm được là luôn bày tỏ tình yêu thương đối với con mình. Mình yêu con dù bất cứ thế nào. Yêu ở đây là sự trao gửi toàn diện, cho đi hoàn toàn. Khi con tôi nổi loạn và gây cho tôi đau khổ, tôi vẫn yêu nó tha thiết. Tôi nghĩ, đó có thể là một điều giúp nó khi lầm lạc, vì nó vẫn thấy bao quanh nó là một tình yêu vô điều kiện từ cha mẹ.
Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái càng nhiều thì đứa con càng có nhiều cơ hội trở thành người tốt”.
Một điều nữa là “Tôi hãnh diện với tất cả những gì con làm, cho dù đó là điều tôi không thích” – ông khẳng định.
“Vào năm cuối trung học, các con hỏi ý kiến tôi về định hướng nghề nghiệp. Tôi bảo các con cứ làm điều gì các con thích. Hỏi kỹ trong lòng xem thích nhất điều gì. Nếu vài ba năm nữa mà không thích nữa thì chuyển đổi cũng chẳng sao. Đừng bao giờ hỏi cha mẹ thích con làm gì. Đây là đời sống của con”.
“Con cái không thích nghe “giảng đạo” nhiều, mà thích nhìn và coi tấm gương. Ngay từ nhỏ, hai đứa con cũng hay phê bình tôi, và nếu chúng có lý, thì tôi cũng công nhận mọi sai lầm chứ không chối hay giấu. Tôi không làm một đằng, nói một nẻo. Gia đình tôi có truyền thống rất dân chủ, cởi mở, minh bạch và không trốn tránh trách nhiệm”.
Alan Phan với người trẻ
Thế hệ trẻ nhận được sự quan tâm đặc biệt của vị doanh nhân này. Trong thời gian ở Việt Nam, ông đã dành nhiều thời gian tới nói chuyện với sinh viên các trường đại học, cũng như có những bài viết, trả lời phỏng vấn chưa sẻ kinh nghiệm với giới trẻ.
“Đừng sợ thất bại”là lời khuyên mà ông gửi đến thế hệ trẻ trên con đường tìm kiếm sự thành công.
“Mẫu số chung giữa thời tuổi trẻ của tôi và các bạn trẻ bây giờ đó là có năng lực tràn trề, những suy nghĩ khá ngây ngô và nhiều lý tưởng rất “hoang tưởng”. Tuy nhiên, điểm chung lớn nhất mà ở mọi thời thế đều có là cơ hội dành cho các bạn trẻ luôn hiện diện ở khắp mọi nơi, vấn đề là họ có nhìn thấy và nắm bắt được nó hay không”.
“Còn cái khác biệt là thời bây giờ, con người ít phải âu lo về những chuyện no, đói hay chiến tranh. Thêm vào đó, cuộc cách mạng Internet đã giúp người trẻ có được những kho tàng kiến thức 24/7 với tốc độ của ánh sáng”– ông nhìn nhận.
TS Alan Phan cho rằng: “Mình có thể đổ lỗi cho ngày hôm qua nhưng không thể đổ lỗi cho ngày hôm nay và tương lai. Có thể người trẻ chưa được hưởng một nền giáo dục không tốt, họ sinh ra trong một môi trường mà sự vô cảm càng ngày càng gia tăng và đôi khi thiếu cả sự dạy dỗ đúng đắn của gia đình nhưng đó là những chuyện đã qua”.
“Ngày hôm nay là một ngày mới. Những việc mình làm hôm nay và trong tương lai hoàn toàn nằm trong tay mình, cái tư duy mới của mình phải bắt đầu từ ngay bây giờ. Và bắt đầu như thế nào thì thực tình nền giáo dục qua Internet ngày nay phong phú vô cùng. Vấn đề là lựa chọn những gì mình thích và ứng dụng triệt để trên con đường mình đã chọn”.
“Cốt lõi của vấn đề là khả năng chọn lựa và chấp nhận của các bạn. Đừng đổ thừa cho giáo dục hay cho quá khứ”.
Ông khẳng định “Cái đích đến của mỗi cá nhân đều từ bản chất riêng. Bạn muốn đi đến đâu, làm cái gì thì bạn phải tự suy xét, định đoạt và chấp nhận hậu quả. Sự thay đổi theo chiều hướng nào, việc muốn loại thải hay thu nạp cái gì thì mỗi người phải tự biết. Không ai có thể nói hay làm thay bạn được”.
“Gọi tên” 3 điểm yếu của sinh viên Việt Nam
“Lười biếng” là tính xấu đầu tiên. Ông cho rằng, rất nhiều sinh viên hiện nay biếng học, lười tư duy, muốn nhận được những thứ có sẵn chứ ít khi tìm tòi.
Điểm yếu thứ hai được TS Alan Phan đề cập là “Ỷ lại và đổ thừa”. Trông chờ phụ huynh xin việc cho, hoặc khi gặp vấn đề trong công việc, cuộc sống thì hay đổ thừa do số phận, do hoàn cảnh… là những biểu hiện của điểm yếu này.
Một điểm yếu nữa của sinh viên hiện nay là “Hay bỏ cuộc, thiếu kiên nhẫn”. TS Alan Phan nhận định, đây là điểm yếu nhất trong 3 điểm được chỉ ra. Với cách tư duy và thực hiện nửa vời, dễ nản lòng, những người trẻ khó có thể đạt thành tựu nào đáng kể.
Từ những nhận định đó, TS. Alan Phan đưa ra những lời khuyên cho sinh viên, mà theo ông “Thiết lập mục tiêu cụ thể” chính là việc đầu tiên cần làm, đặc biệt là mục tiêu nghề nghiệp. Tiếp đó là việc “Lập kế hoạch cụ thể và dài hạn”. Và cuối cùng là “Tranh thủ những cơ hội tốt để vượt lên”.
Lý giải về việc bỏ ra nhiều thời gian, tiền bạc để đi diễn thuyết trước các bạn trẻ, ông cho biết bởi vì “Tôi muốn giới trẻ có những góc nhìn mới, thay đổi về tư duy mới. Trong quá khứ, không ít những bậc tiền bối, ông cha họ đã kiếm được tài sản, khấm khá nhờ làm quan. Nhưng trong một thị trường mới, kinh tế toàn cầu dựa trên kiến thức thì con đường duy nhất để làm giàu cho đất nước và bản thân đó là tạo ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu và người dân.
Cá nhân tôi tin tưởng thế hệ trẻ chắc chắn sẽ hiểu ra và vượt qua được những người đi trước. Điều mà tôi muốn làm là thúc đẩy quá trình đó nhanh hơn”.
Giáo dục là kênh đầu tư số 1
Trong 8 kênh đầu tư theo lời khuyên của TS Alan Phan, kênh đầu tư vào Giáo dục được ông xếp hàng đầu. Ông lý giải cho điều này như sau:“Một tài sản mà chúng ta không thể mất được khi còn sống là tài sản trí tuệ. Một đầu tư vào giáo dục sẽ đem lại cho bạn, gia đình bạn hay những người thân yêu một tỉ lệ hoàn trái (ROI – return on investment) khoảng 67% mỗi năm, liên tục trong vài chục năm khi bạn có tài sản này. Không một kênh đầu tư có thể qua mặt con số ROI này trong bất cứ tình trạng kinh tế nào.
Tại Việt Nam, vì kinh tế còn dựa vào nông nghiệp vả sản xuất gia công, thay vì vào dịch vụ và công nghệ, nên ROI co thể ít hơn. Nhưng đây là hướng đi bắt buộc của mọi nền kinh tế trong các thập kỷ tới. Ngay cả những khóa học bổ túc kéo dài chỉ vài ba tuần cũng đem lại kết quả rất khả quan cho tài chính cũng như công việc, nhờ có thêm kỹ năng quản lý và chuyên nghiệp chuyên sâu hơn”– đây là lời khuyên của ông với giả định “Nếu tôi là chủ một gia đình trung lưu, có dư chút tiền mặt trong thời điểm hiện tại ở Việt Nam”.
Còn đối với những bạn trẻ muốn khởi nghiệp kinh doanh, ông có lời khuyên như sau: “Với những bạn kém may mắn đang đấu tranh vất vả đề tìm sự nghiệp hay cơ hội kinh doanh, hãy tin vào con người thực và định mệnh của mình. Phải kiên trì, biết đứng dậy và tiếp tục đi tới khi vấp ngã. Không ai có thể từ chối mãi một con người có ý chí”.
“Với những bạn nhiều may mắn, có đầy đủ vật chất và phương tiện, hãy cố gắng hơn nữa với trí tuệ sáng tạo và tinh thần thanh cao. Nghĩ đến những người kém may mắn, tập cách chia sẻ và hành xử mọi chuyện với chuẩn mực đạo đức và văn minh. Những kẻ xấu có thể đang thắng, nhưng cuối cùng, thế giới sẽ thuộc về những con người thiện tâm và hài hòa”.
Theo VietNamNet