HỌC VIỆN QUẢN LÝ VÀ LÃNH ĐẠO CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

Tự do đến từ tri thức - Knowledge sets freedom

Vai trò và hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp

Hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp phản ánh chất lượng công tác quản trị tài chính của doanh nghiệp trong điều kiện tác động qua lại giữa các yếu tố. Thông qua phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bằng phương pháp thay thế liên hoàn trong mô hình Dupont, nghiên cứu chỉ ra các nhóm nhân tố liên quan đến đòn bẩy tài chính và nhóm nhân tố không liên quan đến đòn bẩy tài chính để các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp cân nhắc, lựa chọn cho phù hợp trong việc gia tăng ROE.

Vai trò của quản trị tài chính doanh nghiệp

Về bản chất, tài chính doanh nghiệp là các quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị phát sinh gắn liền với việc tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động của mình. Về hình thức, tài chính doanh nghiệp là các quỹ tiền tệ trong quá trình tạo lập, phân phối, sử dụng và vận động gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp.

Là một trong nhiều mặt hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động tài chính gắn liền với việc tạo lập, phân phối, sử dụng, vận động chuyển hóa của quỹ tiền tệ, được diễn ra trên cơ sở các quyết định chủ quan của nhà quản trị doanh nghiệp. Các quyết định trong quản trị tài chính doanh nghiệp là vấn đề quan tâm và được bàn luận nhiều.

Theo Van Horne và Wachowicz (2001) thì quản trị tài chính quan tâm đến mua sắm, tài trợ và quản lý tài sản doanh nghiệp theo mục tiêu chung được đề ra. Tương tự, McMahon (1993) cho rằng, quản trị tài chính doanh nghiệp quan tâm đến tìm nguồn vốn cần thiết cho mua sắm tài sản và hoạt động của doanh nghiệp, phân bổ các nguồn vốn có giới hạn cho những mục đích sử dụng khác nhau, đảm bảo cho các nguồn vốn được sử dụng một cách hữu hiệu và hiệu quả để đạt mục tiêu đề ra.

Các tác giả khác như Brealey và Myers (1996), Ross và cộng sự (2005) thống nhất cho rằng, tài chính doanh nghiệp quan tâm đến việc đầu tư, mua sắm, tài trợ và quản lý tài sản doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Mặc dù, có nhiều cách hiểu và tiếp cận khác nhau nhưng hầu hết các quan điểm đều có sự đồng thuận khi cho rằng: Tài chính doanh nghiệp thực chất là quan tâm đến 3 vấn đề chủ yếu gồm: quyết định đầu tư, quyết định huy động vốn và quyết định phân phối lợi nhuận nhằm tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.

Với mỗi quyết định tài chính, nhà quản trị luôn đối mặt với sự mâu thuẫn giữa sinh lời và rủi ro; một mặt phải đảm bảo tối đa hóa tỷ suất sinh lời cho chủ sở hữu, mặt khác phải tối thiểu hóa rủi ro. Đây là vấn đề vô cùng khó khăn đặt ra cho các nhà quản trị tài chính trong quá trình lựa chọn và ra quyết định tài chính phù hợp.

Quản trị tài chính doanh nghiệp là việc lựa chọn, đưa ra các quyết định và tổ chức thực hiện các quyết định tài chính nhằm đạt được các mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, các quyết định tài chính của doanh nghiệp đều gắn liền với việc tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Quản trị tài chính doanh nghiệp còn được nhìn nhận theo quy trình 4 khâu của quản trị doanh nghiệp là quá trình lập kế hoạch; tổ chức thực hiện; điều chỉnh và kiểm soát quá trình phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ đáp ứng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp.

Hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp

Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có mục tiêu bao trùm là tối đa hoá giá trị cho các chủ sở hữu. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh và phát triển thích ứng với các biến động của thị trường, đồng thời phải tổ chức thực hiện các kế hoạch đó. Trong quá trình tổ chức xây dựng và thực hiện các hoạt động, doanh nghiệp luôn quan tâm đến tính hiệu quả của chúng.

Theo cách hiểu thông thường, hiệu quả kinh tế phản ánh quan hệ so sánh giữa kết quả đạt được so với chi phí bỏ ra để đạt được kết quả, còn hiệu quả sản xuất kinh doanh là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực (lao động, máy móc, thiết bị, tiền vốn và các yếu tố khác) nhằm đạt được mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra.

Quản trị tài chính là bộ phận quan trọng trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp. Quản trị tài chính phục vụ cho mục tiêu hoạt động kinh doanh đó là tối đa hóa lợi nhuận, nhưng bên cạnh đó phải duy trì tình hình tài chính lành mạnh, cân bằng giữa khả năng sinh lời với khả năng thanh toán và mức độ rủi ro có thể chấp nhận được.

Mỗi giai đoạn phát triển khác nhau thì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận lại khác nhau, hoạt động tài chính sẽ thay đổi cho phù hợp tình hình và bối cảnh chung. Ngoài ra, việc đánh giá hiệu quả quản trị tài chính qua các chỉ tiêu phải được so sánh cùng cơ sở hoặc cùng mặt bằng để thấy rõ sự thay đổi, chứ không chỉ đánh giá một chiều tăng hay giảm của chỉ tiêu đó trong kỳ phân tích.

Như vậy, hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp được hiểu là mức độ đạt được mục tiêu quản trị tài chính so với yêu cầu đặt ra trong mối quan hệ với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp cao khi quản trị tài chính doanh nghiệp thực hiện được mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận của doanh nghiệp và ngược lại, tất cả đều nhằm đến mục tiêu cuối cùng là tối đa hóa giá trị cho các chủ sở hữu.

Hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp phản ánh mặt chất lượng công tác quản trị tài chính của doanh nghiệp trong điều kiện tác động qua lại giữa các yếu tố. Vì vậy, để đánh giá hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp cần xem xét trên nhiều chỉ tiêu khác nhau (chỉ tiêu định tính và chỉ tiêu định lượng).

Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp

Nhóm các chỉ tiêu định lượng

Các cổ đông bầu ra hội đồng quản trị, hội đồng quản trị bầu ra Ban giám đốc. Ban giám đốc điều hành doanh nghiệp nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho các cổ đông, các quyết định điều hành doanh nghiệp của họ buộc phải thực hiện phù hợp với việc tối đa hóa giá trị cho các cổ đông. Chỉ tiêu đầu tiên sử dụng để đo lường hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp chính là tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu.

Tỷ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE):

ROE = Lợi nhuận sau thuế/ Vốn chủ sở hữu bình quân sử dụng trong kỳ

Tỷ số này phản ánh khả năng sinh lời của mỗi đồng vốn chủ sở hữu bình quân sử dụng trong kỳ và được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, khi họ quyết định bỏ vốn đầu tư vào doanh nghiệp.

Tăng ROE là một mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động quản trị tài chính doanh nghiệp. Chỉ tiêu này phản ánh tổng hợp tất cả các khía cạnh về trình độ quản trị tài chính: Doanh thu, chi phí, tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp.

Chỉ tiêu ROE mới chỉ phản ánh năng lực sinh lời của mỗi đồng vốn chủ sở hữu sử dụng trong kỳ. Tuy nhiên, điều mà các cổ đông phổ thông (chiếm phần lớn số lượng trong công ty cổ phần) quan tâm chưa dừng lại ở đó, họ quan tâm đến việc nhận được bao nhiêu giá trị từ mỗi cổ phần phổ thông mà họ nắm giữ sau khi đã sử dụng một phần lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức cho các cổ đông ưu đãi. Nhằm phản ánh khả năng này, bài viết sử dụng chỉ tiêu thu nhập trên mỗi cổ phần phổ thông hay cổ phần thường.

Thu nhập một cổ phần thường (EPS):

EPS = Lợi nhuận sau thuế - Cổ tức trả cho cổ đông ưu đãi/Tổng số cổ phần thường đang lưu hành

EPS phản ánh mức độ sinh lời của mỗi một cổ phần phổ thông nói chung. Các nhà đầu tư thường dùng mức doanh lợi mỗi cổ phần để làm tiêu chuẩn quan trọng đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Nói chung, chỉ tiêu này càng cao, chứng tỏ lợi nhuận có thể được chia cho mỗi cổ phần càng nhiều, hiệu quả đầu tư của cổ đông lại càng tốt. Mục tiêu quan trọng này cũng là điều mà các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp luôn hướng tới.

Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến EPS, vì đây là khả năng thu nhập có thể nhận được, nếu quyết định đầu tư vào doanh nghiệp. Chỉ số EPS càng cao chứng tỏ khả năng thu nhập trên mỗi cổ phần thường càng lớn. Đó là mục tiêu hướng tới của nhà quản trị tài chính nhằm tăng mức độ cạnh tranh cũng như tác động tốt tới giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Đồng thời, EPS là cơ sở để quyết định mức chia cổ tức cho mỗi cổ phần thường.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay mà các cổ đông phổ thông quan tâm không kém chính là cổ tức thực tế chia cho mỗi cổ phần thường hàng năm. Nhằm phản ánh cụ thể về vấn đề này, bài viết sử dụng chỉ tiêu cổ tức một cổ phần thường.

Cổ tức một cổ phần thường (DPS):

DPS = Lợi nhuận sau thuế dành trả cổ tức cho cổ đông thường/Tổng số cổ phần thường đang lưu hành

Để có được ROE và EPS cao, các nhà quản trị tài chính buộc phải giảm số cổ phần thường đang lưu hành, hoặc tăng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông thường; hoặc đồng thời áp dụng cả hai hình thức trên, nhưng tốc độ tăng lợi nhuận sau thuế phải cao hơn so với tốc độ tăng của số lượng cổ phần thường.

Tóm lại, nếu tốc độ gia tăng của lợi nhuận sau thuế cao hơn so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu và số cổ phần thường đang lưu hành bình quân thì cả ROE và EPS đều tăng và hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp được cải thiện.

Năng lực sinh lời là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư mua cổ phiếu. Vì các cổ đông thu lợi đầu tư là thông qua cổ tức, mà nguồn gốc của cổ tức lại lấy từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.

Mặt khác, đối với công ty có tham gia thị trường chứng khoán thì có sự tăng trưởng của lợi nhuận sẽ gia tăng lợi nhuận cho các cổ đông, vì giá cổ phiếu trên thị trường tăng lên. Năng lực sinh lời của doanh nghiệp cũng quan trọng đối với các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp, vì nó là những chỉ tiêu để đánh giá thành tích hiệu quả quản trị tài chính của họ.

Hơn nữa, lợi nhuận sau thuế là chỉ tiêu tuyệt đối nên để đo lường hiệu quả quản trị tài chính trong năm, cần có sự so sánh lợi nhuận sau thuế với doanh thu để xem xét biên lợi nhuận, với tài sản bình quân để xem hiệu quả sử dụng tài sản vào kinh doanh trong kỳ.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS):

ROS = Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần trong kỳ

Chỉ tiêu này phản ánh khả năng quản lý và tiết kiệm chi phí của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này phụ thuộc nhiều vào đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của ngành nghề kinh doanh và chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cạnh tranh bằng sự khác biệt hóa (xây dựng thương hiệu riêng) thường có hệ số ROS cao. doanh nghiệp cạnh tranh bằng việc dẫn đầu về giá với chi phí thấp thường có hệ số ROS thấp, còn với doanh nghiệp kinh doanh đa ngành thì việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm kinh doanh sẽ làm cho ROS thay đổi. Chỉ tiêu này còn được gọi theo các tên khác như: Biên lợi nhuận ròng, hệ số lãi ròng.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA):

ROA = Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản bình quân sử dụng trong kỳ

Tỷ số này đo lường khả năng sinh lợi của một đồng tài sản của doanh nghiệp. Hay nói cách khác là tỷ số này phản ánh năng lực sinh lợi của doanh nghiệp khi sử dụng toàn bộ các nguồn lực của mình.

Cơ sở để doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh doanh là phải có tài sản nhất định, đồng thời các hình thái của tài sản cũng phải được bố trí hợp lý để các tài sản có thể được sử dụng một cách có hiệu quả. Trong một thời kỳ nhất định, nếu doanh nghiệp chiếm hữu và hao phí ít tài sản, mà lợi nhuận thu được càng nhiều thì năng lực sinh lợi của tài sản là ước lượng việc vận dụng có hiệu quả các tài sản và là một phương thức phản ánh hiệu quả đầu tư về tổng thể.

Những người quản lý doanh nghiệp thường quan tâm tới năng lực sinh lợi của tài sản có cao hơn mức lợi nhuận bình quân của tài sản xã hội và cao hơn mức lợi nhuận tài sản trong ngành hay không? Trong một thời kỳ nhất định, do đặc điểm kinh doanh và các nhân tố hạn chế khác nhau, năng lực sinh lợi của các ngành nghề khác nhau cũng sẽ khác nhau: Có ngành sinh lợi cao và có ngành sinh lợi thấp.

Tuy nhiên, ROA đã tính đến ảnh hưởng của yếu tố lãi vay và thuế tài chính doanh nghiệp. Mặc dù lợi nhuận sau thuế mới là vấn đề mà doanh nghiệp nhận được nhưng cũng cần xem xét đến mức sinh lời danh nghĩa của tài sản mà doanh nghiệp sử dụng, từ đó tiếp tục so sánh để thấy ảnh hưởng của lãi vay đến hiệu quả quản trị tài chính của doanh nghiệp.

Tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản (BEP):

BEP = Lợi nhuận trước lãi vay và thuế/Tổng tài sản (hay vốn kinh doanh) bình quân

Chỉ tiêu này phản ánh khả năng sinh lời của tài sản hay vốn kinh doanh mà không tính đến ảnh hưởng của lãi vay (nguồn gốc vốn kinh doanh) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong điều kiện thuế thu nhập doanh nghiệp không đổi, thì BEP có tác dụng rất lớn trong việc xem xét mối quan hệ với lãi suất vay vốn để đánh giá việc sử dụng vốn vay tác động thế nào đến khả năng sinh lời của tài sản nói chung và của vốn chủ sở hữu nói riêng.

Bài viết liên quan
Chủ tịch PAILEMA  dự hội thảo về giáo dục việt Nam 2021 do Quốc hội tổ chức

Chủ tịch PAILEMA dự hội thảo về giáo dục việt Nam 2021 do Quốc hội tổ chức

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA PAILEMA NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA PAILEMA NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11

TIẾT LỘ 56 NGUYÊN TẮC CỦA MỘT DOANH NHÂN “BÁCH CHIẾN BÁCH THẮNG” DÀNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

TIẾT LỘ 56 NGUYÊN TẮC CỦA MỘT DOANH NHÂN “BÁCH CHIẾN BÁCH THẮNG” DÀNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

TẢNG ĐÁ

TẢNG ĐÁ

Đăng ký nhận tư vấn